TRANG SINH HOẠT


Tham Quan Victor Harbor

Tác giả: V.T
Thể loại: Phóng sự sinh hoạt  

      Buổi sáng của ngày cuối Thu thời tiết hơi se lạnh với cơn  mưa bụi lất phất bay từ phía xa trên dãy đồi tạo thành bầu trời màu trắng xóa. Những người tham dự cuộc du ngoạn do hội Võ khoa Thủ Đức Nam Úc tổ chức ngày 09/4/2011, đã lần lượt đến tập trung nơi bãi đậu xe của khu shopping Arndale, tôi và nhóm anh chị Võ Văn Tài có mặt từ sớm để hướng dẫn tham dự viên tập trung và kiểm tra lại danh sách. Chuyến tham quan lần nầy có những người cao niên hàng tám mươi như bác Hồng Tâm, hàng thất thập cổ lai hy thì có anh Quang, anh Trần Đình Thọ. Theo như thời điểm khởi hành được ấn định là 8 giờ sáng, nhưng vì có vài tham dự viên đi trể nên tất cả phải chờ đợi.
      Đây là chuyến tham quan do hội Võ Khoa Thủ Đức tổ chức nên phần đông tham dự viên là những người cựu sĩ quan của QLVNCH. Tham dự chuyến đi hôm nay có quí anh chị quen thuộc trong sinh hoạt Cộng Đồng  như: A/c Lộc, A/c Tài, A/c Nam, A/cTường, A/c Chữ, A/c Nguyên Long, A/c Thọ, và vài người  thân hửu với hội.  Nhìn những anh chàng sĩ quan mà một thời xông pha chiến trường, bây giờ mái tóc đã bạc màu theo thời gian dãi dầu mưu sinh viễn xứ,  tôi chợt nhớ những câu thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên diễn tả người chiến sĩ năm xưa, sau ngày tàn cuộc chiến:
** Ta về cúi mái đầu sương điểm
     Nghe nặng từ tâm lượng đất trời..

     Mãi đến 8.30 am chúng tôi mới khởi hành vì phải chờ A/c Tư Nghiệp, đến trể gân 30 phút theo thời biểu. Xe chạy theo lộ trình Torrent-Woodville-East Av-Marion.Người điều khiển chương trình hôm nay là anh Khánh Tường, ban chấp hành của hội VKTĐ, mở đầu văn nghệ giúp vui, mọi người trên xe  đồng ca những bài hát: Nào Về Đây, Con Kiến Đỏ....gợi nhớ một thời du ca khi chúng tôi còn là học sinh nơi quê nhà. Tiếp đến anh Nguyên Long hướng dẫn hát những bài Hò Lên Đèo, Gần Nhau Trao Cho Nhau...Nhưng bài hát làm chúng tôi nhớ về Sài Gòn nhiều nhất là bài Aó Lụa Hà Đông, được bác Hồng Tâm trình bày. Mặc dù tuổi đã hơn bát tuần mà giọng ca của bác Tâm vẫn còn cao vút.
      Xe ra khỏi thành phố thì trời bên ngoài bắt đầu mưa nhẹ, xuyên qua cửa kính nhìn lên ngọn đồi, những hạt mưa bay trông giống như một buổi sáng mưa phùn của Đà Lạt! Cảm hứng trước ngoại cảnh, Thanh Tâm giúp vui qua bài hát Mưa Trên Phố Huế, Thương về Miền Trung, anh Khánh Tường hoài niệm đời binh nghiệp của mình với bài Kẻ Ở Miền Xa... Dù bên ngoài trời đang mưa lạnh, nhưng trong xe chúng tôi ấm lại với những tiếng hát ngọt ngào của các anh chị có tinh thần văn nghệ đóng góp.
      Điểm đầu tiên chúng tôi dừng lại để ăn điểm tâm và uống cafê sáng là thị trấn Old Noarlanga. Người tài xế của hảng xe Grant’s coach line phục vụ cafê và ban tô chức phụ thêm phần xôi, bánh ngọt. Chúng tôi có được thời gian một giờ để tham quan sơ qua một vòng thị trấn. Old Noarlanga cách xa thành phố Adelaide chừng 30Km, được thành lập vào năm 1840, là một thị trấn nhỏ ngày xưa cư dân sinh sống chuyên về nông nghiệp, những di sản văn hóa tồn tại nơi thị trấn bây giờ gồm có: Horseshoes inn xây dựng vào năm 1865, Library thành lập vào năm 1877, Townhall hoàn tất vào năm1905..Chúng tôi có dịp ghé qua chợ trời mua trái cây, mật ong làm quà cho gia đình.
      Rời thị trấn Old Noarlanga lúc 10.25am, xe trực chỉ Victor Harbor. Ban văn nghệ Cây Nhà Lá Vườn bắt đầu phục vụ khách tham quan. Giọng hát về chiều nhưng còn ngọt ngào của anh Thiệt trình bày nhạc phẩm Bóng Nhỏ Đường Chiều, Julie Tư với bài nhạc hài hước sửa lời: Đại Liên Thời Chiến, tặng cho những anh chàng chiến sĩ bây giờ đã gác súng vào dĩ vãng nhạt nhòa. Lời nhạc nghe qua làm cho cả đoàn cười ra nước mắt với đoạn khúc: “ Trung liên ta bắn liêm miên vẫn còn h..a..i viên”  Rồi lại thêm phần kể chuyện tiếu lâm của anh Hà Chữ và anh Nguyên Long...làm không khí trong xe vui nhộn lên với những tiếng cười dòn dã.
      May mắn cho chúng tôi là khi xe đến Victor Harbor là lúc trời bên ngoài vừa tạnh  mưa và có chút ánh nắng làm xua đi phần nào những cơn gió lạnh đầu mùa. Như vậy chúng tôi sẽ không bị thời tiết làm cản trở cuộc sinh hoạt ngoài trời. Tôi nhìn đồng hồ trên tay bây giờ là 11.45 am, thời điêm ăn trưa đã đến, tôi đề nghị BTC cho dùng cơm trưa để sau đó có thì giờ sinh hoạt tập thể. Thế là tham dự viên mỗi người được phát một phần cơm hộp heo quay, đùi gà rôti và một chai nước suối. Trước khi nhận phần cơm, anh V.T xin mọi người xếp thành vòng cung để chụp một bức hình lưu niệm và làm tư liệu cho bài phóng sự chuyến tham quan.
     Theo thời biều thì chúng tôi có hơn hai giờ để sinh hoạt và tham quan cảng Vicror Harbor. Đối với cảng Victor Harbor, những người tham dự viên có mặt hôm nay, ít nhiều gì cũng có đôi lần ghé qua điểm du lịch nổi tiếng của tiểu bang Nam Úc. Nhưng mục đích chuyến tham quan Victor Harbor lần nầy là để thư giản tinh thần sau những tháng ngày làm việc cực khổ và có dịp để các anh chị trong hội cựu sĩ quan VKTĐ gặp gở. Vì vậy, đa số những tham dự viên không đi tham quan các địa điểm nỗi tiếng nơi Victor Harbor như: The Cause Way ( Cầu gổ bắt từ đất liền qua đảoGrante Island ), Cleinig’s Hill, Encounter Bay, Encounter Bike way....
      Ăn cơm trưa xong, chúng tôi tập hợp thành vòng tròn sinh hoạt theo những trò chơi du ca: Chim bay cò bay, hát những bài du ca của Nguyễn Đức Quang: Về Với Mẹ Cha, Đôi Tay Trên Vai Nhau..... Đây là giây phút cho chúng tôi hoài niệm về những ngày tháng thân thương của tuổi xuân nơi sân trường. Tuổi xuân ấy đã đi mất trong nỗi buồn chiến tranh, bây giờ còn trong ta nỗi niềm luyến tiếc!..
      Rời Victor Harbor lúc 2.45pm. Trên đường về,địa điểm đầu chúng tôi ghé qua là đảo Hindmarsh. Vì không đủ thời giờ nên chúng tôi bảo bác tài xế chạy xe qua một vài con đường cho biết đảo Hindmarsh Island. Hòn đảo nầy cómột giai đoạn xãy ra tranh chấp giữa thổ dân nơi đây và chính quyền địa phương khi khởi công xây dựng cây cầu qua sông Murray. Hindmarsh island được khám phá bởi thuyền trưởng Charles Sturt vào năm 1830.
      Địa điểm cuối cùng chúng tôi ghé tham quan là thị trấn Strathalbyn, một thị trấn nhỏ nhưng có hơn 30 di sản văn hóa nổi bậc. Trong những di sản văn hóa đáng kể là The Soldiers’s Memorial Garden nằm trên bờ sông Angas River thơ mộng. Trên bảng đá lưu niệm cho biết thị trấn Strathalbyn được thànhlập năm 1839.
      Văn nghệ giúp vui trên đường về gồm những bài nói về thời chinh chiến, như khơi lại những kỷ niệm ngủ vùi trong lớp bụi thời gian của quá khứ. Chị Trần Chuyên giúp vui hai nhạc phẩm rất  là “Lính” như: Trăng Tàn Trên Hè Phố, Nó và Tôi. Kết thúc chương trình văn nghệ là đồng ca bài Tạm Biệt, lời ca nghe buồn buồn, luyến tiếc cho sự chia tay sắp đến:
Gặp nhau đây rồi chia tay,
Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây.
Niềm hăng say còn chưa phai,
Hẹn lòng hãy nhớ lời yêu thương ta nhắn về.
Còn trong ta tình bao la,
Cuộc tình chinh chiến bừng lên trong ước mơ.
Niềm suy tư còn trong ta,
Đường trường sông núi, hẹn mai ta sum vầy.!
       Xe dừng lại nơi bãi đậu xe khu shopping Arndale, mọi người xuống xe vẫy tay chào tạm biệt. Nắng chiều cuối thu còn nhẹ vươn trên ngọn đồi phía xa, tôi nhủ thầm: Sao ngày vui qua mau quá!
    V.T ghi nhanh